Tìm hiểu các tác hại khi dùng đồ nhựa sai cách
Các loại đồ nhựa tiện lợi mà giá thành lại rẻ nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cũng chính vì sự tiện lợi mà chúng trở nên phổ biến trong cuộc sống, có mặt ở hầu hết các gia đình, siêu thị, quán ăn take away.
Mặc dù “tiện” nhưng các loại đồ nhựa chưa chắc đã “lợi”. Bởi nhiều nghiên cứu cho thấy các tác hại khi dùng đồ nhựa sai cách sẽ nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe con người. Cùng đọc để sử dụng đúng, bảo vệ sức khỏe bạn nhé!
1. Những tác hại khi bạn sử dụng đồ nhựa sai cách
Các đồ dùng làm từ nhựa thật sự mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống chúng ta. Trọng lượng nhẹ, độ bền cao, khó bị nứt vỡ như các đồ thủy tinh, đồ sứ. Vì vậy, chúng được ưu tiên sử dụng từ việc đựng đồ cho đến đi chợ, mua bán,..
Thế nhưng, ít ai biết rằng các loại đồ nhựa lại là nguồn cơn dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng và sức khỏe con người. Có thể kể đến một số tác hại khi dùng đồ nhựa sai cách như sau:
1.1 Gây nhiễm độc, ngộ độc thực phẩm
Các loại đồ nhựa sau một thời gian sử dụng và dùng chất tẩy rửa để làm sạch thường phai màu và xuất hiện vết trầy xước. Vậy nên rất dễ bám bẩn, dễ tích tụ vi khuẩn, vi trùng. Khi dùng đựng thực phẩm, các vi khuẩn này sẽ bám vào và gây ra các bệnh về tiêu hóa, đường ruột.
Chưa kể một số người có thói quen dùng các chai đựng nước suối, nước ngọt đã qua sử dụng để tiếp tục đựng nước. Các loại chai này thường chỉ sử dụng 1 lần, dễ tích tụ vi khuẩn. Vậy nên khi đựng đồ uống, nồng độ vi khuẩn trong nước cao dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, ngộ độc…
Bên cạnh đó, việc dùng đồ nhựa đựng thực phẩm nóng cũng gây ra các tác hại nguy hiểm. Bởi ở điều kiện nhiệt độ cao, hàm lượng chất monostyren có trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn và theo đường tiêu hóa vào cơ thể gây hại sức khỏe.
1.2 Gây bệnh ung thư, các bệnh về tim
Ở các sản phẩm làm từ nhựa kém chất lượng còn sản sinh chất độc bisphenol A (viết tắt là BPA). Có thể bạn chưa biết BPA là một hóa chất nhân tạo dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate như bình sữa trẻ em, hộp đựng thức ăn, đồ chơi,…
Theo các chuyên gia, BPA trong các đồ dùng trên có thể nhiễm vào thức ăn khi tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao hoặc cọ rửa với xà phòng chứa chất tẩy mạnh. BPA khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ phá hủy hệ thống nội tiết tố, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh và thai nhi rất nhạy cảm với tác động của BPA khi chúng ngấm vào trong thực phẩm. Đó là lí do gần đây, nhiều nước đã ra lệnh cấm sử dụng đồ nhựa (chai nhựa, cốc nhỏ) đối với trẻ em.
Ngoài ra, có thể bạn chưa biết thực chất những chai nhựa đựng nước bạn hay dùng cũng là mối hiểm họa cho sức khỏe của chúng ta. Cụ thể, nhựa sản xuất các chai này là loại PET (hay còn gọi là PETE) ký hiệu số 1, có sử dụng hóa chất là antimony làm chất xúc tác.
Chất antimony dễ dàng ngấm qua vỏ chai nhiễm vào nước uống hoặc phơi nhiễm qua da. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng chất antimony này có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư suốt cuộc đời.
1.3 Gây vô sinh, dị tật bẩm sinh
Một trong những tác hại khi dùng đồ nhựa sai cách cần phải kể tới chính là nguy cơ gây ra các vấn đề về sinh sản. Bởi trong một số sản phẩm như hộp đựng thực phẩm, đồ chơi trẻ em có chứa Phthalate –một hóa chất độc hại khác được sử dụng để làm cho nhựa dẻo và mềm.
Theo nghiên cứu, hóa chất độc hại này tác động trực tiếp đến khả năng miễn dịch và điều hòa kích thích tố, gây rối loạn hormone và vô sinh. Đối với trẻ em, việc tiếp xúc với Phthalate còn tăng nguy cơ dậy thì sớm, bị hen suyễn, hạ IQ và ADHD.
Thêm vào đó, chất BPA có trong các đồ nhựa kém chất lượng cũng có thể dẫn đến sẩy thai và gây khó thụ thai ở nữ giới. Nghiên cứu cũng cho thấy chất độc này còn có thể gây dị tật bẩm sinh và các vấn đề phát triển cơ thể, trí não ở trẻ em.
2. Nguyên tắc khi sử dụng các loại đồ nhựa đựng thực phẩm
Mặc dù đồ nhựa gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe nhưng rất khó để chúng ta loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi cuộc sống. Bởi vì nhựa sở hữu những ưu điểm vượt trội mà khó có các sản phẩm khác có thể thay thế được.
Chính vì vậy, để tránh được các tác hại khi dùng đồ nhựa sai cách thì trước hết phải thay đổi các thói quen xấu, nắm vững các nguyên tắc sử dụng đồ nhựa an toàn sau:
Nguyên tắc đầu tiên là không dùng đồ nhựa đựng thực phẩm nóng và đồ ăn nhiều dầu mỡ. Đồng thời chỉ sử dụng sản phẩm chuyên dụng khi dùng trong lò vi sóng. Bởi ở nhiệt độ cao, các hóa chất có trong nhựa sẽ được phóng thích và ngấm vào thức ăn gây bệnh.
Các chuyên gia cũng khuyên bạn không nên dùng các loại hộp nhựa để đựng các loại thức ăn có tính axit cao như giấm, nước chanh, đồ chua. Tốt nhất, với thực phẩm nóng hoặc loại chứa nhiều axit, hãy dùng đồ sứ, thủy tinh… để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Nguyên tắc thứ hai là với các đồ nhựa dùng 1 lần (chai nhựa, hộp nhựa đựng cơm, tô nhựa…) thì bạn tuyệt đối không tái sử dụng. Bởi thói quen sai lầm này sẽ khiến bạn dễ mắc các bệnh về đường ruột, hệ tiêu hóa.
Tiếp theo, chất lượng sản phẩm sẽ quyết định đến mức độ an toàn với sức khỏe. Vì thế, để hạn chế rủi ro, các bạn nên lựa chọn đồ nhựa của các thương hiệu uy tín có tên tuổi và chất lượng. Không nên ham rẻ mà dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Muốn phòng ngừa các tác hại khi dùng đồ nhựa sai cách, nguyên tắc cuối cùng đó chính là hiểu rõ các kí hiệu nhựa để chọn mua sản phẩm phù hợp và dùng đúng cách.
Hiện nay, các sản phẩm nhựa được ghi nhãn từ 1 đến 7, bao quanh trong hình tam giác mũi tên. Mỗi con số thể hiện cho từng chất nhựa với cấp độ an toàn khác nhau để bạn có thể dễ dàng phân biệt các loại nhựa tốt xấu. Cụ thể như sau:
- Kí hiệu số 1: Nhựa PET (PETE)
- Kí hiệu số 2: HDPE (High density polyethylene)
- Kí hiệu số 3: Polyvinyl chloride hay PVC
- Kí hiệu số 5: PP (Polypropylene)
- Kí hiệu số 6: Polystyrene hay PS
- Kí hiệu số 7: Polycarbonate hay PC và các loại nhựa khác.
Vậy là bạn đã hiểu được những tác hại khi dùng đồ nhựa sai cách rồi đúng không? Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn cẩn trọng lựa chọn sản phẩm cũng như nắm rõ cách sử dụng để đảm bảo an toàn cho bạn và gia đình nhé!