Phân biệt nhựa tốt, xấu và cách tái sử dụng an toàn
Nhựa có nhiều loại, cho ra những sản phẩm với những đặc tính và mục đích sử dụng riêng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người mơ hồ, chưa phân biệt nhựa dùng 1 lần và nhựa tái sử dụng để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Vậy có những loại nhựa cơ bản nào? Làm sao biết được loại đồ nhựa nào tái sử dụng được hay không và tái sử dụng cho mục đích gì? Việc dùng lại chúng có thực sự đảm bảo an toàn? Cùng tìm hiểu tất tần tật dưới đây nhé!
1. Các loại nhựa và cách nhận biết qua từng kí hiệu
Hiện nay trên thị trường có 7 chất liệu nhựa được ứng dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt. Chúng được kí hiệu theo thứ tự từ số 1 đến số 7 và bao quanh bởi một hình tam giác, được in dưới đáy hoặc trên thân của bao bì.
Sở dĩ, các nhà sản xuất phải kí hiệu như vậy nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt nhựa dùng 1 lần và nhựa tái sử dụng. Bởi vì tuỳ theo từng loại sẽ có mức độ an toàn và khả năng tái chế khác nhau, cụ thể như sau:
Nhựa PET: Kí hiệu số 1
Nhắc đến các loại nhựa thông dụng, chắc chắn PET là cái tên được nói đến nhiều nhất. Bởi nhựa này quá phổ biến, bạn có thể bắt gặp với các sản phẩm như chai đựng nước suối, chai nước ngọt, ly nhựa đựng cà phê, chai đựng dầu gội, sữa tắm…
Nhựa PET có tên đầy đủ là Polyethylenetere, còn được biết đến với các tên khác như PETE. Chúng có tính trong suốt, chịu được nhiệt độ lên đến 200 độ C và chịu lạnh -90 độ C trong khoảng 2 phút, có thể cho vào tủ lạnh (cả ngăn mát lẫn ngăn đông).
Ở nhiệt độ bình thường, PET rất an toàn. Nhưng ở môi trường nhiệt độ cao, nhựa pet rất dễ bị biến dạng, nóng chảy. Khi đó, các chất độc hại có trong PET sẽ thôi nhiễm sang thực phẩm và gây hại tới sức khỏe con người.
Đối với các loại hộp đựng thực phẩm thì các công ty thường dùng nhựa nguyên sinh để sản xuất nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối với người sử dụng.
Với đặc tính này, PET được ứng dụng rộng rãi để sản xuất các loại chai lọ đựng đồ uống. Nhưng các bao bì này thường là loại dùng 1 lần, tức là không tái sử dụng lại đựng thực phẩm/ đồ uống được. Thay vào đó, bạn có thể “xài” với mục đích khác như làm đồ handmade chẳng hạn.
Nhựa HDPE: Kí hiệu số 2
HDPE hay còn gọi là nhựa high-density polyethylene, chuyên được làm thành các bình nhựa cứng như bình đựng sữa trẻ em, bình đựng chất tẩy rửa, dầu ăn, đồ chơi và một số túi nhựa khác.
Nhựa này được người tiêu dùng tin chọn vì sở hữu nhiều đặc điểm ưu việt so với dòng nhựa khác. Điển hình là khả năng chịu nhiệt độ cao lên tới 110 độ C, thậm chí có thể cho vào lò vi sóng ở công suất thấp (khoảng 800 W).
Bên cạnh đó, các sản phẩm làm từ HDPE có độ bền cao, chịu va đập tốt và ít bị biến dạng, trầy xước. Đặc biệt, nhựa này trơ về mặt hóa học, không phản ứng với môi trường axit, không tiết ra độc tính.
Có thể nói trong tất cả các loại nhựa thì HDPE là an toàn nhất, được khuyến khích nên lựa chọn khi có nhu cầu đựng thực phẩm. Khác với PET, nhựa HDPE này có thể tái sử dụng nhiều lần nhưng không được đựng đồ nóng.
Nhựa PVC: Kí hiệu số 3
Đây là loại nhựa có tên là polyvinyl clorua (PVC), được ứng dụng làm các loại vật liệu xây dựng, áo mưa, hộp nhựa, đường ống dẫn nước, màng bọc thức ăn… Mặc dù phổ biến nhưng nhựa PVC lại chứa nhiều chất độc hại như phtalates và bisphenol A có thể gây ung thư.
Thế nên bạn tuyệt đối không dùng bao bì nhựa này để đựng thực phẩm, không dùng chúng trong lò vi sóng. Điều này cũng có nghĩa là với PVC, bạn cũng chỉ nên dùng 1 lần, tránh dùng lại chúng vào lần tiếp theo.
Nhựa LDPE: Kí hiệu số 4
LDPE có tên đầy đủ là low-density polyethylene, có tính trơ hóa học và độ bền cao. Nhờ ưu điểm này mà LDPE được dùng phổ biến để sản xuất các hộp mì ăn liền, bao bì đựng thực phẩm, chai lọ đựng hóa chất, găng tay nylon, túi nylon, túi đựng hàng và vỏ bánh kẹo…
Tuy nhiên, nhựa LDPE dễ gãy, vỡ, trầy xước, khả năng chịu va đập vật lý kém. Hơn nữa, nhựa này không chịu được nhiệt độ cao quá 95 độ C, không dùng được trong lò vi sóng vì dễ nóng chảy, thôi nhiễm chất độc hại.
Đối với các sản phẩm mang kí hiệu số 4 này, bạn vẫn có thể tái sử dụng nhưng không nên dùng cho mục đích đựng đồ ăn, thức uống. Ví dụ như có thể dùng túi nhựa LDPE để tiếp tục đựng đồ vật khác (trừ thực phẩm).
Nhựa PP: Kí hiệu số 5
PP là chữ viết tắt của Polypropylene, sở hữu những ưu điểm vượt trội về độ bền, tính chịu nhiệt. Cụ thể, nhựa PP chịu được từ 130 độ C – 170 độ C, dùng được trong lò vi sóng và trong tủ lạnh (bao gồm cả ngăn mát và đông).
Nhờ những đặc tính ưu việt này, PP được đánh giá cao về mức độ an toàn, luôn là lựa chọn hàng đầu khi dùng làm bao bì đựng thực phẩm như hộp đựng cơm, chai lọ nhựa, bình đựng sữa… Bạn có thể tái sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Nhựa PS: Kí hiệu số 6
Một dòng nhựa khá phổ biến và rẻ chính là PS – viết tắt của chữ Polystyrene. Bạn có thể tìm thấy chúng với các sản phẩm hộp xốp đựng đồ ăn nhanh, chén dĩa, hộp đựng trứng, cốc uống nước dùng 1 lần…
PS được đánh giá cao về khả năng chịu nhiệ và lạnh đáng kể. Tuy nhiên, các bao bì làm từ nhựa này lại được liệt vào danh sách chất lượng kém. Bởi vì ở nhiệt độ cao trên 70 độ C, chất Monostyren có trong nhựa PS sẽ được giải phóng, thôi nhiễm vào đồ ăn gây hại tới người dùng.
Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng không dùng loại nhựa này để đựng thức uống, đồ ăn lâu dài. Để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng một lần rồi bỏ bạn nhé!
Nhựa PC: Kí hiệu số 7
Tương tự nhưa nhựa số 6, nhựa PC (polycarbonate) cũng là loại nhựa cực độc hại, rẻ tiền. Nhựa này chuyên được sản xuất thành bình đựng nước, các thùng nhựa đựng hóa chất.. Hoặc các hộp nhựa đựng thức ăn như sữa chua, hộp mì, hộp đựng bơ…
Theo đó, nhựa PC cũng giống PVC, đều chứa Bisphenol A (BPA) – đây là loại chất độc hại dùng để sản xuất nhựa có thể phá hoại nội tiết tố trên cơ thể người, gây bệnh ung thư nguy hiểm. Đặc biệt, khi đựng đồ nóng có khả năng thôi nhiễm vào thức ăn rất nguy hại.
Do đó, bạn nên hạn chế dùng các loại nhựa này, đặc biệt là các đồ dùng đựng thực phẩm, không nên tái chế, không nên tái sử dụng. Với các sản phẩm làm từ nhựa PC, để đảm bảo an toàn bạn nên lựa chọn những sản phẩm có kí hiệu BPA – Free.
2. Cách tái sử dụng nhựa an toàn để bảo vệ sức khỏe
Mặc dù có nhiều loại nhựa (PP, HDPE) có thể tái sử dụng nhiều lần. Thế nhưng nếu không nắm rõ các nguyên tắc khi sử dụng thì chúng vẫn có thể gây hại tới sức khỏe của chính bạn. Do đó, khi sử dụng lại các loại nhựa này, hãy lưu ý các điều sau:
Thứ nhất, không tái sử dụng để đựng thực phẩm nóng trên 70 độ C. Bởi vì nhựa chứa nhiều độc tố có hại như oligome, chưa kể các hóa chất tổng hợp được thêm vào trong quá trình sản xuất nhằm làm tăng độ bền của sản phẩm.
Ở điều kiện bình thường, chúng vẫn an toàn. Thế nhưng khi có tác động của nhiệt độ cao, các chất độc này sẽ được giải phóng và nhiễm sang thực phẩm. Nếu con người ăn phải, các chất này xâm nhập vào cơ thể dẫn đến hậu quả như vô sinh, ung thư, bệnh tuyến giáp và cholesterol cao…
Thứ hai, chỉ tái sử dụng đúng với mục đích ban đầu. Bạn có thể hiểu đơn giản là chỉ dùng các loại bao bì đựng thực phẩm để đựng thực phẩm. Ví dụ như dùng bình đựng nước PP để tiếp tục đựng nước, không sử dụng các bao bì đựng mỹ phẩm để đựng thực phẩm, đồ uống.
Thứ ba, đối với các loại bao bì nhựa dùng 1 lần thì nhất định không được sử dụng lại để đựng thực phẩm, ngay cả khi chúng là nhựa PP. Bởi lẽ ở lần sử dụng tiếp theo, các chất độc có trong bao bì nhựa có thể bị phân hủy và ngấm vào thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Lời khuyên tốt nhất cho bạn trong trường hợp này chính là tái chế chúng thành các đồ vật handmade khác. Ví dụ như dùng chai nhựa đựng nước suối làm thành chậu trồng cây, loa điện thoại, lọ đựng bút… Nếu bạn chưa biết cách thực hiện, có thể tham khảo trên các trang mạng nhé.
Cuối cùng, chỉ các loại hộp, đồ nhựa chuyên dụng mới được sử dụng trong lò vi sóng. Hầu hết nhựa đều bị tác động bởi nhiệt độ cao, sẽ cực kì nguy hiểm nếu bạn dùng sai. Thậm chí, PP có thể sử dụng trong lò vi sóng nhưng cũng chỉ an toàn trong thời gian ngắn ( 2 – 3 phút).
Chính vì vậy, trước khi sử dụng các loại hộp nhựa để hâm nóng đồ ăn trong lò vi sóng, bạn hãy chắc chắn là chúng dùng được an toàn trong lò vi sóng. Để yên tâm hơn, bạn có thể chọn các loại chất liệu như sành sứ, thủy tinh thay thế để bảo vệ sức khỏe nhé.
Hi vọng với những thông tin trên đã giúp bạn biết rõ về các loại nhựa trên thị trường cũng như phân biệt nhựa dùng 1 lần và nhựa tái sử dụng. Hiểu rõ đặc điểm của từng chất liệu, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn chất liệu phù hợp để tiêu dùng an toàn nhất! Chúc các bạn thành công!