BPA là gì? Tác hại và giải pháp phòng tránh nhựa chứa BPA
Có phải khi tìm mua các sản phẩm nhựa, bạn đều được khuyến cáo nên chọn nhựa không chứa BPA. Bởi vì chất này có độc, bị thôi nhiễm sẽ dẫn đến bệnh ung thư, rối loạn nội tiết, vô sinh,… đe dọa đến tính mạng con người.
Vậy bạn có biết BPA là gì và gây tác hại như thế nào đến sức khỏe? Có cách nào phòng tránh các đồ nhựa chứa BPA? Cùng theo dõi mọi thông tin ngay bài viết dưới nhé!
1. BPA là gì?
BPA có tên đầy đủ là Bisphenol A, có công thức hóa học là (CH3)2C(C6H4OH)2. Đây là chất hóa học dùng để thêm vào để sản xuất nhựa polycarbonate, làm thành các chai nước, thiết bị thể thao, đĩa CD, DVD, các đường ống dẫn nước…
Bisphenol A được phát hiện vào những năm 1980 bởi nhà hóa học người Nga Aleksandr Dianin. Nhưng đến năm 1950, các nhà hóa học mới nhận ra việc trộn BPA với những thành phần khác sẽ làm tăng độ trong suốt, tính dẻo và chắc chắn của sản phẩm.
Ngày nay, chất BPA thường có trong các sản phẩm đồ chơi trẻ em và đồ gia dụng bằng nhựa như hộp nhựa đựng thực phẩm, bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai, lọ, bình sữa trẻ em, thùng đựng bia, rượu…
Ngoài các sản phẩm trên, chất bisphenol-A còn rất phổ biến trong các loại sơn, chủ yếu là các loại sơn epoxy dùng để tráng bên trong các sản phẩm nhựa và đồ hộp kim loại đựng thực phẩm. Hoặc có trong các loại sơn tổng hợp để sơn tường nhà, cửa, bàn ghế,v.v.
2. BPA xâm nhập vào cơ thể con người bằng cách nào?
Theo các nhà nghiên cứu, chất Bisphenol A phần lớn xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường ăn uống, bao gồm ăn các thực phẩm và uống nước bị nhiễm hóa chất này. Vậy các hành vi làm tăng nguy cơ thôi nhiễm BPA là gì?
Đầu tiên, BPA cực dễ hòa tan trong đồ uống và thức ăn, đặc biệt ở môi trường nhiệt độ cao. Ví dụ như chúng ta sử dụng các hộp nhựa kém chất lượng chứa BPA để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng thì BPA sẽ giải phóng và thôi nhiễm sang thức ăn, theo đường tiêu hóa vào cơ thể.
Hơn nữa, khi bạn làm sạch các đồ nhựa bằng chất tẩy rửa mạnh hoặc dùng chúng đựng thực phẩm có tính axit như giấm, chanh. Chất Bisphenol A có trong các đồ nhựa này cũng dễ dàng ngấm vào đồ ăn, thức uống.
Bên cạnh đó, BPA cũng xâm nhập vào cơ thể qua đường không khí hoặc qua da. Một số giấy in nhiệt (hóa đơn ATM, vé máy bay…) đều có thể tìm thấy chất BPA với nồng độ cao. Khi bạn tiếp xúc trực tiếp, BPA ở các loại giấy này có thể bị hấp thu vào cơ thể thông qua da.
3. Tác hại của BPA đối với người sử dụng
Ảnh hưởng của Bisphenol A đối với con người vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi và hoài nghi. Thế nhưng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy chúng được xem là chất độc có khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe sinh sản, phát triển và các vấn đề khác. Vậy tác hại cụ thể của BPA là gì?
3.1 Đối với nữ giới
- Ung thư vú: Đã có nghiên cứu khẳng định rằng Bisphenol A có tác động tiêu cực khi kích thích phát triển tuyến vú và làm tăng nguy cơ bệnh ung thư.
- Đa nang buồng trứng (PCOS): Phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang thường có nồng độ BPA cao hơn 46% so với phụ nữ bình thường.
- Sinh non: Nữ giới có lượng BPA trong cơ thể cao hơn bình thường sẽ có 91% gặp phải tình trạng sinh con trước 37 tuần. Hơn nữa, bé gái sinh ra khi lớn lên sẽ có các tế bào trứng nhiều nhiễm sắc thể, nếu sinh con sẽ gặp các rối loạn như hội chứng Down.
3.2 Đối với nam giới
- Giảm lượng tinh trùng: Nam giới thường xuyên tiếp xúc với chất BPA thường bị giảm khả năng sản xuất tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ngoài ra, các chứng minh còn cho thấy BPA làm sụt giảm nồng độ hormon nam trong cơ thể nam giới.
- Ung thư tuyến tiền liệt: Khi nam giới bị thôi nhiễm với BPA, kích thước tuyến tiền liệt có thể tăng đáng kể và là nguy cơ tiềm tàng dẫn tới bệnh ung thư.
3.3 Đối với trẻ nhỏ
- Nhẹ cân: Những trẻ em có mẹ tiếp xúc trực tiếp với chất Bisphenol A sẽ có cân nặng lúc mới sinh nhẹ hơn 0,2 kg so với trẻ được sinh bởi người mẹ không tiếp xúc với loại hóa chất này.
- Dị tật bẩm sinh: Trẻ được sinh ra từ những bố mẹ bị phơi nhiễm BPA cũng có thể gặp phải dị tật, điển hình là khoảng cách tính từ hậu môn đến cơ quan sinh dục ngắn hơn bình thường.
- Thay đổi hành vi: Trẻ được sinh ra bởi người mẹ có nồng độ BPA cao hơn thường dẫn đến thay đổi hành vi. Chẳng hạn như dễ bị tăng động, trầm cảm và lo âu, dễ cáu gắt và nổi giận cao hơn 1,1 lần.
- Làm hỏng men răng: Nghiên cứu ở trẻ cho thấy, với trẻ em bị nhiễm BPA, nguy cơ mắc bệnh thiếu khoáng chất ở răng cao hơn. Về lâu dài có thể làm răng yếu đi, thậm chí có thể gây sâu răng.
4. Làm thế nào để phòng tránh nhựa chứa BPA?
Mặc dù Bisphenol A gây ra nhiều hệ lụy, thế nhưng việc loại bỏ chúng hoàn toàn là rất khó. Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với hóa chất này. Bằng cách note ngay các thông tin sau:
4.1 Tránh sử dụng các đồ nhựa chứa BPA
Hiện nay, nhựa có nhiều loại và không phải nhựa nào cũng chứa BPA. Để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên tìm mua và sử dụng các loại đồ nhựa không có Bisphenol A. Lời khuyên tốt nhất là hãy nhìn vào ký hiệu in trên thân hoặc đáy sản phẩm.
Theo đó, nhựa được kí hiệu từ 1 – 7 với từng mức độ an toàn khác nhau. Các loại nhựa an toàn bao gồm loại số 1, 2 và 5, thích hợp để đựng thực phẩm. Trong đó, có 3 loại nhựa mà bạn cần tránh xa vì chúng dễ chứa chất Bisphenol A:
- Kí hiệu số 3 – nhựa PVC: Đây là loại nhựa dẻo thường được ứng dụng sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, đồ chơi, chai đựng dầu ăn. Chất độc có trong PVC sẽ được giải phóng ở nhiệt độ cao.
- Kí hiệu số 6 – nhựa PS hay polystryrene: Được xem là loại nhựa rẻ tiền, dùng sản xuất các bao bì hộp đựng thức ăn nhanh. Tương tự như PVC, nhựa này cũng sản sinh độc tố ở điều kiện nhiệt độ cao, trong môi trường axit.
- Kí hiệu số 7 – nhựa PC và các loại nhựa khác: Đây là loại nhựa hỗn hợp, dễ thôi nhiễm Bisphenol A vào thực phẩm, cực kì nguy hiểm tới sức khỏe người sử dụng.
Ngoài việc cần tránh các sản phẩm làm từ 3 loại nhựa này, bạn nên tránh các loại nhựa xấu được dán nhãn BPA Free. Tuyệt đối không tái sử dụng các loại đồ nhựa đã phai màu hoặc có vết xước để đựng thực phẩm nhé.
4.2 Không dùng đồ nhựa đựng thực phẩm nóng
Không sử dụng các hộp nhựa chứa kém chất lượng trong lò vi sóng hoặc dùng đựng đồ ăn nóng. Bởi vì ở môi trường nhiệt độ cao, cấu trúc của nhựa bị phá vỡ sẽ giải phóng chất BPA làm thôi nhiễm vào đồ ăn.
Chính vì vậy, khi sử dụng với mục đích đựng thực phẩm nóng, bạn nên thay thế đồ nhựa bằng các chất liệu an toàn như gốm, sứ, thủy tinh… Đồng thời, chỉ sử dụng các sản phẩm nhựa chuyên dùng trong lò vi sóng khi có nhu cầu hâm nóng thức ăn, như PP chẳng hạn.
4.3 Chỉ mua và dùng sản phẩm nhựa uy tín
Có thể nhận thấy một thực trạng hiện nay chính là các loại đồ nhựa được bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc và chất lượng. Điều này khiến người tiêu dùng gặp khó khăn, rất dễ mua phải những đồ nhựa chứa Bisphenol A.
Do vậy, để tránh mua phải những đồ nhựa kém chất lượng, bạn cần cẩn trọng lựa chọn địa chỉ cung cấp. Hãy tìm mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín, có đủ các chứng nhận tiêu chuẩn về ISO 9001 và HACCP.
Với những chia sẻ trên hi vọng bạn đã biết được BPA là gì cũng như tác hại của chúng đối với sức khỏe. Từ đó, biết cách phòng tránh cũng như lựa chọn được những dòng sản phẩm nhựa chất lượng để sử dụng, giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình nhé!